
Ảnh: Reuters
Dẫn nhập:
Trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Mỹ đã có cách tiếp cận kết hợp giữa “can dự” (engage) và “cân bằng” (balance). Nỗ lực ràng buộc Trung Quốc vào các khuôn khổ hợp tác có thể được xem là sự kế thừa chính sách của Mỹ từ thập niên 70 khi Tổng thống Richard Nixon đến thăm Trung Quốc vào năm 1972. Trong khi đó, cách tiếp cận xem trọng sự phân bố quyền lực được tiếp tục với kể từ khi Tổng thống Bill Clinton làm hồi sinh liên minh Mỹ - Nhật qua Tuyên bố chung về “An ninh Nhật - Mỹ trong thế kỷ 21” vào năm 1996.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, thành công lớn nhất mà Mỹ đã đạt được có lẽ là thúc đẩy một nhận thức toàn diện hơn cho các đối tác của Mỹ tại khu vực rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng khu vực. Trên tinh thần đó, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế. Mỹ đã có những nỗ lực đáng kể để phổ biến một nhận thức chung về tầm quan trọng của an ninh hàng hải tại Biển Đông và những hành động quyết liệt của Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực. Cũng qua những nỗ lực này mà Mỹ đã thể hiện được vai trò và vị thế siêu cường. Với tính chính danh về quyền lực, Mỹ đã có thể góp phần xác lập một nhận thức chung về sự đe dọa của Trung Quốc trong hiện tại và tương lai, cũng như rằng khu vực Biển Đông là không gian mà Trung Quốc thể hiện tham vọng của mình.
Từ việc xác định mối đe dọa và những đứt gãy địa chính trị tại Biển Đông, Mỹ đã có thể phát động sự ủng hộ của các quốc gia trong và ngoài khu vực đối với chính sách của Mỹ cũng như những nguyên tắc hòa bình, hợp tác. Sự điều chỉnh chính sách mang lại cho Mỹ tính chính danh trong quá trình nêu gương những vấn đề liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Mỹ có thể lôi kéo sự ủng hộ của các quốc gia khu vực về thế giới quan của một siêu cường kiến tạo là một thành công quan trọng, qua đó thể hiện tính chính danh của quyền lực.
Toàn văn: Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, số tháng 10/2018.