
Buổi ăn trưa – làm việc bắt đầu bằng những chia sẻ của TS. Trương Minh Huy Vũ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 qua những câu chuyện thực tiễn đang diễn ra ở châu Á. Tại Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan, mỗi quốc gia đều đã và đang tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bằng nhiều hình thức, đề án tầm quốc gia như Trung Quốc 2020, Thái Lan 4.0…, với hai mô hình nâng cấp chính là nâng cấp theo chiều ngang và chiều dọc. Ở tầm nhìn vĩ mô, TS. Vũ đã chỉ ra những điểm nghẽn khiến cho các doanh nghiệp “ngại” đầu tư để bắt kịp cuộc đua 4.0, mà cụ thể là do lợi tức kinh tế thấp và rủi ro tài chính còn cao; bên cạnh đó, nhắc đến quy trình 5 bước theo dõi một hoạt động và các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động SMART (cụ thể, có thể đo lường, khả thi, phù hợp).

Đi sâu hơn, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam cũng đã có những bước chuyển mình trong câu chuyện công nghiệp 4.0. Cụ thể, TS. Trương Minh Huy Vũ đã chia sẻ những đề án công nghệ của thành phố Hồ Chí Minh như “Đô thị thông minh”, kết nối dân, doanh nghiệp và các sở, ban ngành, hoạt động theo thời gian thực; vai trò và mức độ phức tạp của nó cũng như giá trị mà nó mang lại. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các viễn cảnh về khu vực với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm, nông nghiệp nhỏ lẻ… được chỉ ra, và các đề án công nghệ hiện đại sẽ là một giải pháp hữu hiệu, bao gồm các công nghệ viễn thám, viễn thông, di động, tự động, cảm biến… được tích hợp vào nông nghiệp tại ĐBSCL.
Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Hồng Sơn, giám đốc Kinh doanh tập đoàn Unilever đã trao đổi về “”Những thay đổi và xu hướng của doanh nghiệp liên quan đến phân phối ở VN”. Một khái niệm mới được ông Sơn nhấn mạnh, ICT (Information Communication Techonology - công nghệ thông tin truyền thông) đóng vai trò then chốt trong phân phối hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng FMCG. Ở tầm nhìn nội bộ, sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các phòng ban giúp công việc hoạt động hiệu quả và trơn tru hơn, đặc biệt ở bộ phận cung ứng; ở góc nhìn kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, truyền thông số đã không còn là câu hỏi “nên hay không nên” nữa mà là một phần tất yếu phải có trong hệ thống phân phối tại Việt Nam. Đây là xu hướng mà các doanh nghiệp cần nắm bắt để tránh bị tụt hậu trước cuộc cách mạng công nghệ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ tịch Grab Việt Nam, đã có những chia sẻ cởi mở về sự tác động của công nghiệp 4.0 đến sự phát triển của Grab. Theo ông Tuấn Anh, ngay tại thời điểm Grab ra đời, thị trường vận tải vẫn còn nhiều vấn đề về hiệu suất, chất lượng và giá cả; nhờ có công nghệ, Grab có thể dùng nó giải quyết vấn đề và làm cho thị trường vận tải tốt hơn. Tuy nhiên, yếu tố công nghệ cũng phải tương thích với hạ tầng công nghệ của quốc gia và mức độ phổ biến của công nghệ: “Giả sử chúng tôi có công nghệ nhưng thời điểm đó Việt Nam chưa có smart phone, chưa có 3G thì Grab cũng không giải quyết được vấn đề của thị trường vận tải”.
Với những câu chuyện thực tiễn từ ba vị khách mời, buổi làm việc “Những ứng dụng của công nghiệp 4.0 với doanh nghiệp Việt” đã đem đến một cái nhìn rõ ràng, cụ thể hơn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho các doanh nghiệp Việt Nam.
SCIS thực hiện